Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

Nhà Nguyễn ‘chăm sóc’ Hoàng Sa

Trong thời gian nhà Nguyễn (cả thời chúa và vua Nguyễn sau này) trị vì, chủ quyền biển đảo là việc được hết sức coi trọng. Điều đó thể hiện rõ trong các sách chính sử của triều Nguyễn.


Lập hải đội Hoàng Sa

Sách “Đại Nam thực lục tiền biên”, quyển 10, trang 24 (chữ Hán) đời Thế tông Hiếu Vũ Hoàng đế (tức chúa Nguyễn Phúc Khoát) năm thứ 16 (1754) chép: “Mùa thu, tháng 7, dân đội Hoàng Sa ở Quảng Ngãi đi thuyền ra đảo Hoàng Sa, gặp gió dạt vào hải phận Quỳnh Châu nước Thanh. Tổng đốc Thanh hậu cấp cho rồi cho đưa về. Chúa sai viết thư cám ơn. Ở ngoài biển, về xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, có hơn 130 bãi cát cách nhau hoặc đi một ngày đường, hoặc vài trống canh, kéo dài không biết mấy nghìn dặm, tục gọi là “Vạn lý Hoàng Sa”. Trên bãi có giếng nước ngọt. Sản vật có hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, vích, ba ba…
Nhà Nguyễn chăm sóc Hoàng Sa
Bản dập mộc bản phản ánh triều đình sai Võ Văn Phú mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa
Buổi quốc sơ đặt đội Hoàng Sa 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hằng năm, đến tháng 3 thì đi thuyền ra Hoàng Sa, độ ba đêm ngày thì đến bãi, tìm lượm hóa vật, đến tháng 8 thì về nộp. Lại có đội Bắc Hải, mộ người ở thôn Tứ Chánh thuộc Bình Thuận hoặc xã Cảnh Dương sung vào, sai đi thuyền nhỏ đến các xứ Bắc Hải, Côn Lôn (tức Côn Đảo ngày nay), để tìm lượm hóa vật; đội này cũng do đội Hoàng Sa kiêm quản”.
Về mặt tổ chức, phiên chế đội ngũ, đội Hoàng Sa là một tổ chức dân binh vừa mang tính dân sự vừa mang tính quân sự, vừa mang tính tư nhân vừa mang tính nhà nước, vừa có chức năng kinh tế, vừa có chức năng quản lý thời ấy ở Biển Đông, ra đời từ đầu thời chúa Nguyễn trong hoàn cảnh tay cầm cuốc, tay cầm gươm để mở đất khai hoang. Kể từ khi được thành lập vào thời chúa Nguyễn cho đến khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước thì hải đội Hoàng Sa vẫn hoạt động nhằm bảo vệ vùng biển đảo, đặc biệt là Hoàng Sa và Trường Sa.
Về lịch hoạt động ở ngoài đảo, theo những tài liệu như Dư địa chí, Hoàng Việt địa dư chí, Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam nhất thống chí… hàng năm đội Hoàng Sa bắt đầu đi từ tháng 3 âm lịch đến tháng 8 âm lịch thì về. Và khi về đội Hoàng Sa phải báo cáo với triều đình về những việc làm trong thời gian trên biển.
Nhà Nguyễn chăm sóc Hoàng Sa
Sách Đại Nam thực lục tiền biên phản ánh việc cho lập đội Hoàng Sa từ thời chúa Nguyễn.
Cho người vẽ bản đồ Hoàng Sa
Một trong những việc mà vương triều Nguyễn rất chú trọng là việc vẽ bản đồ Hoàng Sa. Không những đội Hoàng Sa có nhiệm vụ này mà ngay cả thuyền buôn của các nước nếu vẽ được bản đồ Hoàng Sa cũng được triều đình trọng thưởng.
Sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ”, quyển 55, năm Gia Long thứ 16 (1817) chép: “Tháng 6, thuyền Mã Cao đậu Đà Nẵng, đem địa đồ đảo Hoàng Sa dâng lên. Thưởng cho 20 lạng bạc”.
Trong những lần ra Hoàng Sa, hải đội Hoàng Sa ngoài việc vẽ bản đồ, thăm dò đường biển… còn có nhiệm vụ khai thác những sản vật tại Hoàng Sa về đem dâng lên triều đình và báo cáo tình hình tại Hoàng Sa.
Mộc bản triều Nguyễn sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ”, quyển 122, trang 23, năm Minh Mạng thứ 15 (1814) chép: “Tháng 3, sai Giám thành đội trưởng Trương Phúc Sĩ cùng thủy quân hơn 20 người đi thuyền đến đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi vẽ bản đồ. Khi trở về, vua hỏi về những thứ sản vật ở đấy, Sĩ tâu: Nơi này là bãi cát giữa bể, man mác không bờ, có nhiều thuyền các nước qua lại. Nhân đem dâng vua những thứ chim, cá, ba ba, ốc, sò ngao, đã bắt được ở nơi đó, đều là những vật lạ, ít thấy”. Vua cho trọng thưởng.
Từ việc đội Hoàng Sa phải trình tâu và dâng những sản vật lên triều đình sau những lần công cán trở về cho thấy rằng vương triều Nguyễn có chủ quyền rõ ràng với quần đảo này. Việc phòng thủ cũng như khai thác sản vật ở Hoàng Sa cũng đã chứng minh đó không phải là việc riêng của bộ phận nào, mà đó là việc chung của cả vương triều.
Nhà Nguyễn chăm sóc Hoàng Sa
Mộc bản triều Nguyễn phản ánh việc vua Minh Mạng thưởng cho phái đoàn của Đỗ Mậu Thưởng khi từ Hoàng Sa trở về.
Thưởng phạt những người đi công cán Hoàng Sa
Dưới thời Nguyễn, hằng năm triều đình vẫn thường cử những phái đoàn ra công cán ở quần đảo Hoàng Sa. Có những đoàn trên đường ra Hoàng Sa bị bão cuốn trôi thuyền. Nhiều đoàn thực hiện tốt công việc đã được triều đình trọng thưởng, nhưng cũng có những đoàn không tuân theo ý chỉ của triều đình đã bị phạt.
Mộc bản triều Nguyễn sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ”, quyển 194, trang 7 và 8, năm Minh Mạng 20 (1839) chép: “Tháng 7, Viên ngoại lang Công bộ Đỗ Mậu Thưởng vâng lệnh phái đi công cán Hoàng Sa về, đem bản đồ dâng lên, vua cho là trải qua nhiều nơi, xem đo tường tất so với phái viên mọi lần thì hơi hơn. Đỗ Mậu Thưởng và các người đi cùng đều được gia thưởng áo quần và tiền”.
Mộc bản triều Nguyễn sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ”, quyển 204, trang 3 và 4, năm Minh Mạng 20 (1839) chép: “Tháng 7, Phái viên đi Hoàng Sa là bọn Suất đội Thuỷ sư Phạm Văn Biện trước đây bị bão sóng làm tản mát, đến nay lục tục về tới Kinh. Hỏi, chúng nói nhờ có thuỷ thần cứu giúp. Vua sai bộ Lễ chọn địa điểm ở đồn cửa biển Thuận An đặt đàn dùng lễ Tam sinh hướng ra biển lễ tạ. Thưởng tiền cho Phạm Văn Biện và viên biền binh, dân đi theo phái đoàn có thứ bậc khác nhau”.
Tuy nhiên, có những đoàn khi ra Hoàng Sa không hoàn thành nhiệm vụ khi về kinh sẽ bị triều đình xử phạt. Sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ tam kỷ”, quyển 49, năm Thiệu Trị năm thứ 5 (1845), chép: “Tháng 7, Ngũ đẳng thị vệ Nguyễn Hoán được phái đi đến Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi, tự tiện quấy rối các làng. Người cùng phái đi nêu ra để hặc. Hoán phải tội lưu đến hết bậc”.
Từ việc triều đình phạt Nguyễn Hoán vì tội quấy rối các làng ở Hoàng Sa cho thấy rằng, đến thời vua Thiệu Trị, nhà Nguyễn đã cho di dân ra Hoàng Sa.
 Theo Bee.net.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét